ETHW - EthereumPow là gì ?
ETHW và ETHS là gì?
Sau khi thực hiện Hardfork tách chuỗi Ethereum, trong tương lai sẽ có một chuỗi tiếp tục hướng đến The Merge và chuyển đổi sang cơ PoS (Proof-of-Stake), chuỗi còn lại sẽ tiếp tục sử dụng cơ chế đồng thuận PoW (Proof-of-Work). Trong đó, token mới được phân nhánh như sau:
- ETHS: token cho chuỗi PoS mới
- ETHW: token cho chuỗi PoW có khả năng sẽ tiếp tục tồn tại sau khi Hardfork xảy ra.
Hiện tại đề xuất này nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ 2 sàn giao dịch khá có tiếng là MEXC, Poloniex và Gate.io. Đến hiện tại, các sàn này đều đã cho hỗ trợ Swap ETHW và ETHS.
Cuộc tranh cãi xung quanh đề xuất Hardfork ETHW
Hiện tại đề xuất Hardfork ETH nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người trong cộng đồng Ethereum và đặc biệt là các miner (thợ đào), tuy nhiên nó lại vấp phải sự phản đối dữ dội đến từ chính đội ngũ phát triển của Ethereum và nhiều ông lớn khác.
Phản ứng của những người ủng hộ ETHW
Những người ủng hộ PoW nói chung và ETHW nói riêng vô cùng tán thành với đề xuất này, khi họ vẫn muốn chuỗi ETH giữ được sức mạnh bảo mật và tính phi tập trung vốn có.
Dẫn đầu nổi bật chính là Justin Sun và ba sàn giao dịch khá có tiếng đó là Polyniex, MEXC và Gate.io
Theo tuyên bố trên Twitter, Justin Sun sẵn sàng chi 1 triệu ETHW của mình để hỗ trợ cho cộng đồng Proof-of-Work nếu đề xuất Hardfork phân tách chuỗi được thực hiện.
Phản ứng của những người phản đối ETHW
Tuy nhiên cũng có rất nhiều nhân vật danh tiếng phản đối đề xuất này, nổi bật nhất là đội ngũ Ethereum dẫn đầu là Vitalik Buterin.
Phát biểu tại một cuộc họp báo kín trong Tuần lễ Blockchain Hàn Quốc, nhà sáng lập Ethereum đã gọi những người thúc đẩy Hard Fork Ethereum PoW “đơn giản là để trục lợi nhanh chóng”.
Một ông lớn blockchain khác là Chainlink cũng đã tuyên bố sự trung thành với Ethereum PoS và từ chối hỗ trợ Ethereum PoW khi tuyên bố thẳng thừng: “Người dùng nên lưu ý rằng các phiên bản phân nhánh của chuỗi khối Ethereum, bao gồm cả phân nhánh PoW, sẽ không được giao thức Chainlink hỗ trợ.”
Sự phản đối dữ dội của những ông lớn là một điều dễ hiểu, bởi vị thế sức mạnh của Ethereum phần lớn không nằm ở công nghệ hay những thiết kế kỹ thuật, mà sức mạnh và vị thế của Ethereum có thể quy đổi ra bởi sức mạnh của nền kinh tế của blockchain này.
Việc thực hiện Hardfork rất có thể sẽ gây ra một sự phân mảnh nền kinh tế trên Ethereum và khiến blockchain này đánh mất vị thế hiện tại. Rõ ràng rằng đội ngũ của Ethereum và các đối tác lớn như Chainlink đều không mong muốn điều này xảy ra.
EthereumPoW (ETHW) có gì?
Thợ đào
ETHW được “chống lưng” bởi Chandler Guo, một thợ đào người Trung Quốc và quy tụ một bộ phần thợ đào từ ETH chuyển sang. Đối ngoại, dự án tuyên bố được giới thợ đào ủng hộ, là giải pháp mang lại công bằng cho thợ đào Ethereum và sẽ giúp những miner này tiếp tục thu về lợi nhuận từ dàn máy đào đã được đầu tư vô cùng tốn kém.
Nhưng vượt qua những dòng PR mỹ miều đó, chúng ta cần đặt ra câu hỏi rằng: được thợ đào chống lưng thì thế nào? Blockchain dự án khởi chạy trơn tru, giao dịch xử lý hiệu quả, nhưng còn gì nữa?
Thợ đào nhìn chung cũng hoạt động vì lợi nhuận. Và ít nhiều nếu thợ đào bị thua lỗ từ Ethereum, khi chuyển sang ETHW họ chỉ muốn thu về được lợi nhuận nhanh nhất có thể. Lẽ dĩ nhiên, mỗi đồng token ETHW được đào ra, miner chỉ muốn bán đi để kiếm lời.
Sàn giao dịch
Nếu thợ đào vì lợi nhuận thì rõ ràng sàn giao dịch cũng vậy mà thôi. Trong cuộc tranh luận ai ủng hộ ETH1-ETH2, có thể thấy rõ đa số sàn giao dịch lựa chọn thái độ trung lập, để ngỏ khả năng sẽ niêm yết phiên bản tách chain nếu có nhiều người giao dịch.
Vì vậy, khi cơn hype The Merge lên đến đỉnh điểm, ETHW nhận được sự chú ý không hề nhỏ nên nhiều sàn bắt đầu niêm yết đồng coin này. Đó là điều không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, nhớ rằng ICP trước đây cũng từng được rất nhiều sàn niêm yết cùng một lúc, dẫn đến sự FOMO cực lớn nhưng hóa ra lại là “cú lừa thế kỷ”. Do đó, việc có được niêm yết trên nhiều sàn hay không – là một yếu tố nên xem xét, chứ không phải là yếu tố quan trọng nhất.
Dự án DeFi
Ethereum đi đến ngày hôm nay chính là nhờ xây dựng được một hệ sinh thái DeFi vững mạnh – làm “khuôn mẫu” cho các dự án nền tảng ra đời sau noi theo.
Đây cũng là vấn đề được đem ra tranh luận nhiều nhất về ETH1-ETH2. Vì xét cho cùng, nếu không có hệ sinh thái DeFi xoay quanh thì lấy đâu ra người dùng? Vậy đã có dự án nào hỗ trợ Ethereum PoW hay chưa?
Theo thông tin tổng hợp, hiện đã có khoảng 40 dự án trong hệ sinh thái ETHW. Tiêu biểu có thể kể đến ví MetaMask và sàn DEX KyberSwap.
Âu cũng là điều thông cảm được với một dự án có tuổi đời quá non trẻ như Ethereum PoW. Chúng ta chỉ có thể chờ xem trong thời gian tới ETHW làm cách nào để thu hút các dự án mới, quy tụ cộng đồng dev để xây dựng hệ sinh thái cho mình.
Vì như đã nói ở phần trên, có rất ít dự án thuộc hệ Ethereum trước đó từng nghĩ đến việc chuyển sang chain fork, nên bước phát triển tiếp theo như thế nào chỉ có thể phụ thuộc vào core team của ETHW. Ngoài ra, hiện tại các bên stablecoin lớn như USDT, USDC cũng không hề hỗ trợ chain ETHW.
Cộng đồng người dùng
Vô cùng rõ ràng, cộng đồng ETHW hiện nay chỉ là những người mong muốn nhận airdrop.
Airdrop từ tách chain hậu The Merge đã dần được các sàn phân phối xong, còn lại là airdrop từ một số dự án DeFi nếu đồng ý hỗ trợ cả 2 chain ETH hiện tại và ETHW.
Tương lai gian nan
Với những dẫn chứng trên, có thể thấy tương lai ETHW không quá khả quan. Vì rõ ràng, với một cộng đồng chỉ chăm chăm muốn “chốt lời” như hiện tại, đội ngũ dự án sẽ phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng được cơ sở người dùng vững mạnh.
Ngược lại, nếu cả core team vẫn không có kế hoạch phát triển thì Ethereum PoW sẽ dần trở thành một đồng coin chỉ tồn tại trên… chart giá, có volume giao dịch đấy nhưng thực tế thì không mấy ai sử dụng.
Nhìn lại bản fork thành công nhất của Ethereum là Ethereum Classic (ETC) – vẫn tồn tại đó, vẫn có nhiều giao dịch đó, nhưng đã bị dòng chảy DeFi và các xu hướng mới lãng quên. Hàng loạt dự án mới ra đời và chạy marathon gấp rút, trong khi ETC vẫn chỉ bước đi lững thững.