Fed và kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ - Ảnh hưởng tới thị trường

27/05/2022
Tuấn Hùng

Kế hoạch 'Thắt chặt định lượng' của Fed có ý nghĩa gì?

Khoảng hai năm sau khi phát động chiến dịch kích thích tiền tệ lớn nhất và rộng nhất trong lịch sử hiện đại, Cục Dự Trữ Liên Bang (FED) đang trong quá trình rút lại sự hỗ trợ đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Yếu tố quan trọng nhất của kế hoạch này là thu hẹp bảng cân đối kế toán (thắt chặt nguồn tiền) - điều đã khiến thị trường tài chính chao đảo khi họ thực hiện chính sách này trước đây. Lộ trình thắt chặt định lượng đã được công bố vào ngày 6 tháng 4 và bắt đầu vào tháng 5.

Thắt chặt định lượng (thắt chặt nguồn tiền) là gì?

Câu trả lời đơn giản là nó ngược lại với nới lỏng định lượng hay còn gọi là kích thích tiền tệ. Milton Friedman đã giới thiệu chiến lược kích thích tiền tệ từ nhiều thập kỷ trước và Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản đã đi tiên phong trong việc sử dụng chiến lược này vào năm 2001 sau khi họ đã hết sự lựa chọn và hạ lãi suất ngắn hạn xuống 0%. Theo chiến lược kích thích, một ngân hàng trung ương sẽ mua trái phiếu để giảm lãi suất dài hạn. Họ sẽ tạo ra tiền để mua trái phiếu, làm tăng nguồn tiền dự trữ ngân hàng trong hệ thống tài chính, và hy vọng là những người cho vay sẽ chuyển thanh khoản đó thành tín dụng cho các công ty và hộ gia đình (cho vay), thúc đẩy tăng trưởng. Thăt chặt ngồn tiền là ngược lại, có nghĩa là giảm nguồn tiền.

Thắt chặt nguồn tiền xảy ra như thế nào?

Fed để các trái phiếu mà họ đã mua đáo hạn và không mua thêm trái phiếu mới.

Lúc trước thì Fed tạo tiền ra để mua trái phiếu. Sau đó, Bộ Tài Chính “thanh toán” cho Fed khi trái phiếu đáo hạn bằng cách trừ đi số tiền từ số dư tiền mặt mà Bộ Tài Chính ký gửi với Fed - khiến số tiền biến mất ra khỏi nền kinh tế. Để đáp ứng chi tiêu, Bộ Tài Chính lấp lại khoảng tiền mặt đó bằng cách bán trái phiếu mới. Khi các ngân hàng mua những công trái phiếu đó, tiền của họ cũng sẽ hao hụt, do đó, tạo hiệu ứng tiền rút ra khỏi hệ thống.

Các ngân hàng trung ương đã từng thực hiện chiến lược này chưa?

Hầu như rất ít khi phải thắt chặt nguồn tiền. Ngân Hàng Trung Ương Nhật đã áp dụng thắt chặt vào năm 2006-07. Nhiều người cho là chính sách thắt chặt này quá sớm khi Nhật Bản tiếp tục đối đầu với áp lực giảm phát. Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu cũng đã từng thắt chặt năm 2013-14 sau sự gia tăng trong cuộc khủng hoảng đồng euro. Fed sử dụng Kích Thích Tiền Tệ lần đầu tiên vào giữa cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và trong giai đoạn phục hồi yếu kém sau đó, sau đó thực hiện Thắt Chặt khi họ cho rằng nền kinh tế đủ mạnh. Việc thắt chặt kéo dài gần hai năm, từ 2017 đến 2019.

Fed đã quyết định gì lần này?

Fed đang nắm chủ yếu là công trái phiếu và trái phiếu thế chấp do các cơ quan chính phủ phát hành và số lượng này đã tăng hơn gấp đôi trong thời kỳ đại dịch, lên khoảng 8,9 nghìn tỷ USD từ 4,2 nghìn tỷ USD. Tổng số đó tiếp tục tăng cho đến tháng 3, khi Fed “giảm dần” các chiến dịch thu mua trái phiếu. Trong cuộc họp tháng 3 và biên bản được công bố vào tháng 4, các quan chức Fed đã thảo luận về việc thắt chặt với tốc độ tối đa hàng tháng là 60 tỷ USD công trái phiếu và 35 tỷ USD chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp, con số này gần gấp đôi so với 50 tỷ đô la mỗi tháng khi Fed thắt chặt từ năm 2017 đến năm 2019.

Điều này có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế?

Khi quá trình thắt chặt lấy tiền ra khỏi hệ thống tài chính, một số lãi suất cho vay nhất định sẽ tăng lên. Giống như thả lỏng nguồn tiền làm giảm lãi suất, thắt chặt có thể sẽ gây áp lực tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất cùng với việc bán trái phiếu của Fed đã khiến lợi suất công trái phiếu tăng vọt trong quý đầu tiên của năm 2022. Lãi suất 10 năm công trái phiếu tăng lên trên 2,6%, cao nhất sau gần ba năm. Các thị trường phản ứng như thế nào năm 2017-2019 khi Fed thắt chặt lần đầu tiên?

Lúc đó thì khác so với bây giờ. Chủ Tịch Fed lúc đó là Janet Yellen. Vào tháng 6 năm 2017, Janet trấn an mọi người là sẽ "hạ cánh an toàn". Thắt chặt nguồn tiền không gặp khó khăn khi bắt đầu vào tháng 10 năm 2017, nhưng chỉ ba tháng sau, trái phiếu toàn cầu và cổ phiếu giảm giá, có thể do sự kết hợp giữa Fed thắt chặt và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu báo hiệu rằng họ có thể sẵn sàng chậm lại việc bơm tiền vào thị trường ở Châu Âu. Vào tháng 11 năm 2018, một số người đã tranh luận rằng Fed đã thắt chặt quá nhanh, khiến các công ty cho vay không có đủ tiền cho vay để đáp ứng người vay. Đồng đô la tăng lên, gây áp lực với những đơn vị đang nợ mà phải trả bằng USD. Các công ty đang gặp khó khăn không thể vay được nợ.

Fed đã làm gì lúc đó?

Lúc đầu, FED tiếp tục theo chính sách thắt chặt của mình, với chủ tịch Powell - người kế nhiệm của Yellen - đã có lúc nói rằng chiến lực đang ở chế độ “tự động”. Nhưng sau khi chỉ số S&P 500 giảm gần 16% trong ba tuần vào tháng 12 năm 2018, Fed đã thay đổi quyết định. Họ đã từ bỏ việc tăng lãi suất vào tháng 1, 2009 và thông báo loại bỏ chiến lược thắt chặt vào tháng 3 năm 2019.

Thị trường sau đó ra sao?

Vào tháng 9 năm 2019, lãi suất tăng mạnh trên thị trường repo, một nguồn tài trợ ngắn hạn quan trọng, khiến Fed phải bơm thanh khoản vào thị trường này lần đầu tiên trong một thập kỷ. Tháng sau, các quan chức Fed cho biết họ sẽ tăng cường mua công trái phiếu để duy trì nguồn cung dự trữ ngân hàng dồi dào.

Có phải lần này cũng như vậy?

Cựu Bộ Trưởng Tài chính Hoa Kỳ Lawrence Summers đã từng nói bốn từ nguy hiểm nhất trên thị trường là “lần này sẽ khác”. Dựa theo biên bản họp tháng 3 của Fed thì họ nói lần này sẽ khác. Thứ nhất, khuôn khổ hoạt động hàng ngày của Fed đã được điều chỉnh, để Fed cam kết duy trì lượng dự trữ “dồi dào” trong hệ thống. Các quan chức của Fed cũng cũng quyết tâm ghi nhớ “bài học kinh nghiệm từ đợt cắt giảm bảng cân đối kế toán khi xưa”. Các quan chức đã đồng ý "giám sát chặt chẽ" các thị trường để điều chỉnh chiến lược thắt chặt.

FED có chế độ an toàn nào mới không?

Fed nói là có, lần này Fed có các công cụ mới mà Fed có thể sử dụng để ngăn chặn ít nhất một số căng thẳng ngắn hạn trên thị trường tài chính. Năm ngoái, họ đã giới thiệu Cơ Sở Đại Diện Thường Trực, có thể cung cấp 500 tỷ USD tiền mặt qua đêm cho hệ thống ngân hàng và thêm một cơ sở riêng biệt cung cấp đô la cho các ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang New York cũng có thể ký kết các thỏa thuận cung cấp tiền khẩn cấp. Nhưng việc Fed gầy dựng các cơ sở này có thể là một tín hiệu của những rắc rối phía trước.

Chúng ta chỉ mới ở tháng thứ 2 Fed tăng lãi suất kỳ này mà stock đã tơi tả, lãi suất mua nhà tăng gần gấp đôi... vẫn hy vọng là Fed sẽ "hạ cánh an toàn" nhưng lòng tin thì không cao.

Nguồn : Thuận Capital

0.01451 sec| 666.492 kb